[Góc suy ngẫm] Kỳ nghỉ hè của trẻ em thời xưa và nay
Từng ngày hè trên đường quê vắng vẻ
Thỏa thích nô đùa tắm giọt nắng vàng ươm
Chim líu lo, ve cất tiếng gọi hè
Lòng xao xuyến và bồi hồi đến lạ
Giờ nhìn lại chỉ là miền kí ức
Của một thuở ấu thơ đầy rạo rực
Tiếc nuối nhiều nhưng ta phải lớn lên...
Tuổi thơ luôn là một khoảng thời gian đáng nhớ hầu hết với tất cả mọi người và với tôi cũng vậy. Tôi là một người thuộc thế hệ 9x đời đầu. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những thứ giản dị, mộc mạc nhưng vẫn chứa đầy hạnh phúc, niềm vui và điều đặc biệt nhất chính là khoảng thời gian đón hè về.
Mùa hè có lẽ chính là những ngày tháng vui hơn bao giờ hết của đám trẻ chúng tôi. Ngày đó nghỉ hè đúng nghĩa của nó chính là nghỉ hè mà thôi. Không học thêm, không học kèm, khoảng thời gian cho chúng tôi vui chơi, thả lỏng sau những ngày tháng đi học ở trường lớp.
Cứ có thời gian rảnh là chúng tôi tụm năm tụm bảy lại chơi hết trò này đến trò khác. Xóm tôi ở độ tuổi đều trạc trạc nhau nên chúng tôi chơi rất thoải mái. Chỉ cần “hú” mộ tiếng là gần như 500 anh em tập hợp đủ rồi bắt đầu bày trò.
Chúng tôi lấy cỏ gà để chọi, lấy lá dừa làm chong chóng tre, vẽ ngệch ngoạc xuống dưới đất những ngôi nhà rồi phân nhau ra từng phòng để ở, lấy bìa cát tông làm giường. Ôi sao mà vui thế. Hết trò này chúng tôi lại nghĩ ngay ra những trò khác để chơi. Hồi đó đi chơi không muốn về nhà, đến bữa cơm phải đợi bố mẹ đi tìm, gọi la ing ỏi chúng tôi mới chịu về.
Nhiều hôm chúng tôi còn bày những trò chơi mà đến giờ nghĩ lại, nguy hiểm thế mà sao lúc nhỏ tôi lại thích thú đến vậy. Chúng tôi lấy vỏ cà phê cho vào bao rôi sau đó ngồi trượt từ trên mô đất cao xuống, trượt xuống rồi lại kéo bao lên đỉnh và trượt, đứa nào đứa nấy nhễ nhại mồ hôi nhưng rất vui vẻ, trượt mãi không biết mệt.
Chơi chán trên bờ, chúng tôi lại xuống nước nghịch, lén lấy thùng xốp của bố mẹ làm phao rồi đi ra suối bì bõm lội, bơi, trượt bùn. Có hôm còn lấy cây chuối kết thành bè nhỏ rồi thi nhau ngồi lên. Nhưng nó có chứa được sức nặng của chúng tôi đâu, nước ngập nhấn chìm bè, rồi cây chuối thì rơi rạc ra, cả đám nháo nhào la hét và cười lên khằng khặc. Nhớ về thôi mà tự nhiên khóe miệng tôi cũng mỉm cười.
Cũng không tự nhiên mà chúng tôi được người lớn đặt biệt danh là những đứa phá làng phá xóm. Chúng tôi luôn bị thu hút bởi những thứ trái cây của nhà hàng xóm. Không biết từ bao giờ tôi đã thuộc lòng cái câu: “của trộm mới ngon”. Hồi đó cũng chỉ là những trái ổi xanh, sơ ri, xoài, chuối chát,… mà chúng tôi ăn ngon đến lạ. Tranh giành nhau như tranh giành của ngon vật lạ trên đời.
Đứa nào mà làm được cái diều hay được bố mẹ mua cho một cái là thích lắm, cả bọn xúm lai trầm trồ rồi thi nhau cầm thử, thả thứ. Hồi đó diều chưa đa dạng mẫu mã, kiểu dáng như bây giờ, chủ yêu chỉ có diều đại bàng và diều cá mập, nhưng đứa nào mà có 1 cái là đã tự hào lắm rồi. Diều mà bị mắc cành cây hay đứt dây là cả đám buồn bã, tiếc nuối mấy ngày trời.
Buổi tối, dưới ngọn đèn đường le lói đám chúng tôi lại chơi trò trốn tìm, có đứa còn trèo cả lên cây để trốn. Đến mùa dế, nào là thùng, là xô, chai nước cắt lỗ, … nhà có gì đựng là chúng tôi xách đi bắt. Tôi không biết bình thường chúng ở đâu mà đến mùa chúng lại ra nhiều thế. Đứa nào bắt được nhiều là măt hớn hở lắm, khoe xong với đám bạn là chạy như bay về để khoe với bố mẹ. Những con dế mập mạp, bụng đầy trứng, béo ngậy. Chờ mẹ chế biến xong là chúng tôi có 1 bữa ăn ngon lành.
Dần lớn lên, mỗi đứa một ngả, mỗi đứa chọn một nghề. Những ký ức tuổi thơ cũng được cất vào trong phần tủ kín đáo của mỗi người. Nhưng mỗi khi nghĩ lại, bất giác cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ vì tuổi thơ của mình. Những ký ức ùa về sống động như thể mới vừa trải qua chứ không phải là chục năm về trước.
Nhìn lại tuổi thơ của thế hệ sau này, sống ở thành phố đầy đủ tiện nghi, hiện đại nhưng lại ốm yếu, thụ động, và thích ở trong nhà.
Đám trẻ thời bây giờ chỉ có học và học, có khi 1 2 giờ sáng vẫn còn đang ngồi học. Không học thì cũng cầm điện thoại, ipad để chơi game, lên mạng xã hội, … Chúng ít ra ngoài thậm chí không muốn ra ngoài.
Càng hiện đại người ta càng khép kín, sống cạnh nhau nhưng hầu như nhà nào biết nhà đó, không chơi với nhau, không tiếp xúc, lúc nào cũng kín cổng cao tường. Bố mẹ thì bận rộn, nhiều khi không có thời gian quan tâm con cái, không dẫn con đi chơi, đi công viên, đi dạo, … Lúc nào cũng giữ khư khư con vì sợ con ra ngoài chơi với bạn sẽ bị nhiễm thói xấu, hoặc xã hội giờ phức tạp, sợ con bị bắt cóc, bị lây bệnh, … Nhà nào mà muốn con ra ngoài chơi vì con quá lầm lì, và thụ động thì do trước đó không có thời gian cho con, để con ở nhà nên đã hình thành thói quen và tính cách của con. Chỉ muốn ở nhà chơi điện thoại chứ không muốn ra ngoài đường.
Nhiều gia đình thời gian nghỉ hè sợ con chơi điện thoại, điện tử nhiều nên đăng ký full lớp học cho con. Nghỉ hè đáng ra là khoảng thời gian nghỉ ngơi thì thay vào đó là nhồi nhét các lớp học, tiếng Anh, văn hóa, kỹ năng, … Nghĩ thật đáng buồn, vậy thế hệ sau này ngoài việc học và học, không thì chơi điện thoại, còn đâu thời gian để làm những thứ khác. Một tuổi thơ nhàm chán đúng nghĩa.
Trẻ em thời nay được tiếp xúc với mạng xã hội sớm nên tâm sinh lý cũng phát triển sớm gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nhiều trường hợp đến khám do trẻ sử dụng các thiết bị thông minh trong thời gian dài đã dẫn đến các biểu hiện như: Trẻ bị thay đổi cảm xúc, tính thần bồn chồn, dễ cáu gắt, hay cãi lại người lớn, chểnh mảng hơn trong việc học tập, không chơi với bạn bè, ít nói hơn, ngủ muộn, tìm hiểu những lĩnh vực không phù hợp với lứa tuổi, …
Thế hệ chúng tôi mặc dù thiếu thốn hơn nhưng có 1 tuổi thơ hạnh phúc, thế hệ trẻ thời nay, tuổi thơ gắn liền với facebook, tiktok, youtube, game… là những thứ chỉ nhìn nghe, đọc mà không có chút liên hệ nào với thực tế.
Nếu được chọn, tôi sẽ chọn kì nghỉ hè của những thời xa xưa ấy. Kỳ nghỉ hè mà mỗi khi nghĩ lại vẫn bồi hồi những cung bậc cảm xúc. Cái tuổi thơ chẳng mất tiền, chẳng nhồi nhét sách vở quá nhiều nhưng vẫn có được những kỹ năng, những kiến thức để trải bước trên đường đời.